Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị, Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau có tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố và được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Đây là một trong những dự án nằm trong danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo.
Tuyến chính cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn Hà Tĩnh dài 102,38 km (tương đương gần 40% chiều dài đoạn tuyến Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị) và 3 tuyến kết nối cao tốc dài 12,18 km. Khối lượng mặt bằng mà tỉnh cần bàn giao cho chủ đầu tư là khá lớn với 800 ha đất các loại, 7.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó di dời tái định cư 800 hộ, cất bốc gần 800 mồ mả; xây dựng 25 khu tái định cư, 2 khu nghĩa trang; di dời nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác…
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn cho hay: Xác định cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ yêu cầu rất gấp về tiến độ, trong đó các địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện công tác GPMB ngay khi nhận bàn giao mốc thực địa dự án từ Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 (cùng thuộc Bộ GTVT) – chủ đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Với quyết tâm, nỗ lực từ các cấp chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân có đất đai, nhà cửa bị ảnh hưởng bởi dự án, cũng như phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tới thời điểm này, Hà Tĩnh đã thực hiện công tác kiểm đếm GPMB toàn dự án đạt 96,16%; áp giá, phê duyệt phương án bồi thường 83,7% và giải ngân được 641,47/1.078,6 tỷ đồng (đạt 59,47%) từ nguồn vốn GPMB đợt 1 mà Bộ GTVT bố trí.
“Ngay khi chi trả tiền đền bù cho người dân, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tiến hành bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Tính tới ngày 25/11, toàn tỉnh đã bàn giao mặt bằng đạt 81,07% khối lượng (mốc yêu cầu của Chính phủ là tới 20/11 phải bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng). Trong đó, đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi bàn giao 84,06%, đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng bàn giao 76,65% và đoạn Vũng Áng – Bùng bàn giao 94,09%” – ông Lê Anh Sơn thông tin.
Với việc bàn giao 81,07% khối lượng mặt bằng, Hà Tĩnh là một trong những địa phương được Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá làm tốt công tác GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, bởi đây là phần việc phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình nếu không đảm bảo yêu cầu đề ra.
Dù đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng theo đánh giá của tỉnh và các địa phương liên quan thì khối lượng công việc GPMB vẫn còn rất lớn và nặng nề.
Nhìn nhận này là hoàn toàn đúng thực tế khi diện tích đất mà Hà Tĩnh bàn giao cho chủ đầu tư hiện nay phần lớn vẫn là đất nông nghiệp, còn việc áp giá, bồi thường đất ở, đất mồ mả hay di dời công trình kỹ thuật tuy chiếm diện tích không quá lớn, nhưng lại phức tạp, khó khăn hơn nhiều.
Với mồ mả bị ảnh hưởng dự án, hiện chỉ mới có huyện Kỳ Anh và huyện Can Lộc chi trả tiền cho người dân, các địa phương còn lại đang triển khai phần việc này.
Cụ thể, huyện Kỳ Anh đã chi trả cho 112 trường hợp hộ gia đình và dòng họ để di dời, cất bốc 643 ngôi mộ với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng; huyện Can Lộc chi trả hỗ trợ di dời 785/788 ngôi mộ với kinh phí 2,43 tỷ đồng (mộ có chủ là 225 mộ, mộ vô chủ là 563 mộ).
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho hay: Với 30 km tuyến cao tốc (27 km tuyến chính và 3 km tuyến kết nối), Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có số km dự án đi qua dài nhất của Hà Tĩnh. Quá trình thực hiện công tác GPMB dự án cũng gặp không ít khó khăn nhưng với việc từng bước tháo gỡ nên huyện đã bàn giao 79,36% khối lượng mặt bằng qua địa bàn.
Cẩm Xuyên phấn đấu tới 15/12/2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ để tổ chức áp giá, trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ về mồ mả, công trình tâm linh; chuẩn bị các thủ tục để triển khai xây dựng 10 khu tái định cư; lập kế hoạch, khâu nối các đơn vị sớm hoàn thiện hồ sơ phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện hồ sơ kiểm kê đất dân cư, xác nhận nguồn gốc các thửa đất ở, đất vườn để hoàn thành việc áp giá, công khai, thẩm định, phê duyệt, chi trả và bàn giao mặt bằng trong quý II năm 2023.
Tương tự Cẩm Xuyên, ngay khi đảm bảo khối lượng bàn giao mặt bằng theo mốc trước 20/11 cho chủ đầu tư, các địa phương ở Hà Tĩnh liên quan tới dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 vẫn luôn xác định công tác GPMB, xây dựng các khu tái định cư là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và tiếp tục tập trung cao cho phần việc này.
Tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của Ban QLDA, sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt công tác GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam và sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cho chủ đầu tư trong quý II năm 2023 đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh