Sàn giao dịch bất động sản | Mua bán nhà đất Hà Tĩnh

Thị trường bất động sản Hà Tĩnh hướng tới nhu cầu ở thực

Thị trường bất động sản Hà Tĩnh đang hướng tới nhu cầu mua ở thực thay vì các hoạt động đầu tư, “lướt sóng” ảo như trước. Việc “gạn đục khơi trong” này đang là tín hiệu tích cực cho thị trường tại đây.

Nhìn lại một năm đầy biến động

Đầu năm 2022, “cơn sốt” đất đã làm chao đảo thị trường bất động sản Hà Tĩnh, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro và các hệ lụy phát sinh sau đó. Thời điểm này, lợi dụng thông tin về quy hoạch một số dự án trên địa bàn, giới đầu cơ, môi giới bất động sản trong và ngoài tỉnh đổ dồn về “thổi giá”, giao dịch khiến cho giá đất ở nhiều vùng quê bỗng dưng tăng “chóng mặt”.

Đơn cử như: Tại các xã Yên Hòa, Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên), kể từ khi có thông tin UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Mỹ Hòa và Khu đô thị nghỉ dưỡng, sân golf, người dân nơi đây đã chứng kiến cả đoàn ô tô “đổ” về săn lùng mua đất. Một vùng quê lâu nay vốn bình yên bỗng xôn xao, náo nhiệt bởi giá một lô đất từ vài trăm triệu đồng được trả giá lên đến hàng tỷ đồng.

Không chỉ riêng huyện Cẩm Xuyên, tại xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) cũng chứng kiến cảnh tượng tương tự khi “rục rịch” thông tin dự án VSIP về địa phương. Theo đó, khu vực này mỗi lô đất trước đây chỉ có giá dao động trong khoảng 600 – 700 triệu đồng/lô, thì nay được giới đầu cơ, môi giới bất động sản “thổi” lên mức giá từ 2 – 2,6 tỷ đồng/lô…

thi-truong-bat-dong-san-ha-tinh
Cơn “sốt đất” xảy ra tại xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vào đầu tháng 3/2022. (Ảnh Hồng Quang)

Lý giải nguyên nhân khiến thị trường bất động sản “dậy sóng”, nhiều chuyên gia cho rằng: Thời điểm đầu năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh thu hút hàng loạt dự án đầu tư vào địa bàn. Điều này vô hình trung tạo điều kiện cho “cò đất”, “nhà đầu tư” bất động sản săn lùng đầu cơ, “lướt sóng”. Bên cạnh đó, cũng vì lãi suất ngân hàng thời điểm đó đang ở mức thấp cộng thêm nguồn tiền nhàn rỗi lớn nên nhiều người dân đã tìm đến kênh đầu tư bất động sản để sinh lời.

Theo con số thống kê từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 9.144 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tăng 16% so với 2 tháng cuối năm 2021. Những địa phương có số lượng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cao trong 2 tháng đầu năm 2022, đó là: Thị xã Kỳ Anh, các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Đức Thọ.

Cơn sốt đất qua đi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, thị trường bất động sản ở Hà Tĩnh bắt đầu có dấu hiệu “đảo chiều” và rơi vào trạng thái trầm lắng kéo dài. Nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra, đó là do dòng vốn bị tắc nghẽn, tác động của suy thoái kinh tế, các chồng chéo trong thủ tục đầu tư… đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, kể từ quý II/2022, giá đất ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đồng loạt giảm mạnh, xuất hiện nhiều hơn tình trạng bán “cắt lỗ” nhưng không ai mua… Tại một số khu vực trung tâm, giá đất sụt giảm từ 30 – 40%, còn tại các vùng quê, giá đất giảm mạnh 50 – 60% so với đầu năm 2022.

Đáng buồn hơn, thời điểm từ quý IV/2022 đến đầu năm 2023, hàng loạt sàn giao dịch trên địa bàn Hà Tĩnh đã buộc phải đóng cửa, chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực khác. Điển hình như: Công ty BĐS Đại Dương Xanh (đường Hàm Nghi), FCA (đường Ngô Đức Kế)… Thống kê trên địa bàn TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) cho thấy, vào thời điểm “sốt đất” có hơn 20 sàn, văn phòng giao dịch bất động sản; tuy nhiên, đến đầu năm 2023, chỉ còn khoảng 5 – 6 sàn, văn phòng giao dịch bất động sản còn mở cửa hoạt động theo kiểu cầm chừng.

Thi-truong-bat-dong-san-Ha-Tinh
Thời gian qua, nhiều sàn giao dịch, doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Hướng đến nhu cầu ở thực

Trong bối cảnh vừa trải qua một năm 2022 gặp nhiều biến động, hiện nay, thị trường bất động sản Hà Tĩnh đang chuyển hướng sang loại hình đáp ứng nhu cầu mua nhà ở thực thay vì các hoạt động đầu tư như trước, để có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng. Động thái này được xem là bước đệm quan trọng nhằm giúp bất động sản Hà Tĩnh lấy lại niềm tin, sự quan tâm của khách hàng, đồng thời đưa sức mua của người dân tăng lên đáng kể.

thi-truong-bat-dong-san-ha-tinh-huong-toi-nhu-cau-o-thuc
Những khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng, pháp lý đầy đủ cùng giá cả hợp lý sẽ thu hút số lượng lớn người dân có nhu cầu ở thực quan tâm.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá bất động sản ở Hà Tĩnh hiện đang có chiều hướng đi ngang và dần trở về giá trị thực, nhất là tại phân khúc đất thổ cư lâu năm. Cụ thể, giá nhà đất thổ cư ở vùng ven đô trung tâm TP. Hà Tĩnh hay như các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ… đều đang có mức giá rất hợp lý, chỉ trong khoảng từ 1 – 2 tỷ đồng/lô. Thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn cũng ghi nhận tín hiệu khởi sắc khi có sự giao dịch trở lại, thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng quan tâm.

Bên cạnh đó, về mặt chính sách thanh toán, tình hình tín dụng cũng bắt đầu có động thái cởi mở hơn đối với lĩnh vực bất động sản. Các ngân hàng ở Hà Tĩnh hiện tại đã và đang đáp ứng đủ nguồn vốn vay phục vụ nhu cầu liên quan đến bất động sản của người dân như: Mua đất ở, nhà ở…; đồng thời tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản khi giảm lãi suất từ 0,5 – 3%/năm tùy từng ngân hàng.

Đặc biệt, qua khảo sát thực tế tại tỉnh Hà Tĩnh, phóng viên ghi nhận nhu cầu nhà ở của người dân địa phương này vẫn luôn ở mức cao, không có dấu hiệu suy giảm.

Chính vì vậy, việc thị trường bất động sản Hà Tĩnh tập trung vào phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực (đất thổ cư, nhà phố, căn hộ chung cư…) đang là hướng đi chắc chắn và đúng đắn trong thời gian tới. Để từ đó, từng bước đưa thị trường bất động sản Hà Tĩnh vực dậy, kiến tạo môi trường thực sự ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững./.

Để lại một bình luận

0979.268.168