Hà Tĩnh nhận Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Sáng 28/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào địa bàn, với sự tham dự của 700 đại biểu trực tiếp và 270 điểm cầu trực tuyến.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương; một số tỉnh bạn; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; các cơ quan Ngoại giao, tổ chức quốc tế cùng đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự hội nghị.
Bày tỏ khát vọng, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh sau khi quy hoạch được phê duyệt, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Hà Tĩnh luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là khung pháp lý quan trọng định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; tạo không gian, chiến lược dài hạn để thu hút đầu tư; đồng thời, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, thời gian tới, định hướng phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của Hà Tĩnh là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu – cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may. Lĩnh vực dịch vụ – du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics. Lĩnh vực nông nghiệp là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh. Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
“Hà Tĩnh luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo sự phát triển bền vững”, ông Hải nói.
Đại diện đơn vị tư vấn quy hoạch, ông Arnaud Ginolin, thành viên Hội đồng Thành viên, Lãnh đạo khối Tư vấn Chính sách công và khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Hà Tĩnh được lập rõ ràng và táo bạo, với tầm nhìn “tăng trưởng xanh Hà Tĩnh” hướng đến phát triển bền vững cả kinh tế, xã hội và môi trường. Quy hoạch tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng: sản xuất thép và các ngành phụ trợ; nông nghiệp; logistics và du lịch.
Các dự án “mỏ neo” được xác định cho phát triển đột phá chính là mở rộng hơn nữa tổ hợp công nghiệp tại Vũng Áng; năng lượng tái tạo và LNG; cảng biển và các trung tâm logistics; phát triển đô thị và du lịch.
“Việc củng cố các lĩnh vực cốt lõi sẽ tạo đà cho cả 4 lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh mẽ”, ông Arnaud Ginolin nhấn mạnh.
Theo ông, từ nay đến 2030 lĩnh vực trồng trọt tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị cao như trái cây và rau quả nhằm thay thế lúa gạo; chăn nuôi hướng đến các cụm chế biến thực phẩm liên kết chặt chẽ với trang trại quy mô lớn.
Lĩnh vực thủy sản ngoài khai thác trên biển sẽ quản lý nghiêm ngặt chất thải công nghệ cao ở tất cả trang trại nuôi tôm trên cát; lâm nghiệp, khai thác chế biến gỗ được cấp chứng chỉ FSC và bảo vệ rừng dựa vào nguồn thu từ du lịch sinh thái và mua bán tín chỉ các bon.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tầm nhìn, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển, tạo cơ hội mới và giá trị mới cho sự phát triển của quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Hà Tĩnh đã hết sức quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ hai trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển.
Cần tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; tổ chức công bố, triển lãm rộng rãi thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm thông tin để quảng bá, giới thiệu quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước mắt, áp dụng các giải pháp cần thiết để đạt được các chỉ tiêu KT-XH, QP-AN cao nhất của năm 2023, góp phần vào kết quả của cả nhiệm kỳ và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước; giải phóng các điểm nghẽn của thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành với người dân và doanh nghiệp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh…
Ký kết 15 dự án
Với 108 dự án kêu gọi đầu tư, tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng.
Đồng thời, trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án về lĩnh vực: bất động sản – du lịch – nghỉ dưỡng; hạ tầng khu/cụm công nghiệp; thương mại dịch vụ; năng lượng – nước sạch; giáo dục; nông nghiệp…, có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 219.000 tỷ đồng.
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư tỉnh ủy khẳng định, Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.
“Việc hoàn thiện và công bố quy hoạch mới chỉ là kết quả bước đầu. Thước đo để đánh giá chất lượng, hiệu quả quy hoạch chính là sự phát triển giàu mạnh, văn minh, người dân được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông, hệ thống chính trị các cấp của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, kết nối số; thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đối với nhà đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân cùng đồng hành với địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch; khi gặp các vướng mắc, khó khăn kịp thời phản ánh để tỉnh cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, chuyển đổi số thực chất là đưa công nghệ vào giúp cho cuộc sống người dân Hà Tĩnh thoát khỏi đói nghèo, khó nhọc.
Bây giờ, cái người dân quan tâm nhất là cuộc sống của họ an toàn, môi trường sống trong sạch, con cái họ được học tập tốt, ra trường có công việc tốt hơn và sức khỏe của họ được đảm bảo. Chính vì vậy, trong thương lai dù là nông nghiệp, công nghiệp hay du lịch thì nền tảng cũng phải là công nghệ cao.
Để làm được điều này, nguồn nhân lực là trọng yếu nhất. Chúng tôi sẽ song hành với Hà Tĩnh từ công nghệ đến con người và đầu tiên mong muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục như người bạn chung thủy, nghĩa tình với Hà Tĩnh.