Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Mục tiêu cụ thể
Về kinh tế:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%.
GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4,0 tỷ USD. Năng suất lao động tăng 11,3%/năm. Mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14 – 15%/năm, tỷ lệ thu ngân sách bình quân so với GRDP là 27%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750 – 800 nghìn tỷ đồng.
Về xã hội:
100% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và 90% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Số bác sĩ/vạn dân đạt 12 bác sỹ, số giường bệnh/vạn dân đạt 32 giường. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 13,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 85%, trong đó lao động qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ là 50%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 0,6 – 1%/năm.
Về bảo vệ môi trường:
Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 98%, trong đó thành thị 100%, nông thôn 80%. Duy trì ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng trên 52%. 100% chất thải rắn phát sinh tại các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, chất thải y tế được thu gom và xử lý.
Về kết cấu hạ tầng:
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%, hạ tầng các đô thị được đầu tư đồng bộ, hình thành các khu đô thị thông minh. Đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025. Hạ tầng giao vận tải thông suốt; hạ tầng thủy lợi, đê điều, hồ đập an toàn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, chủ động tiêu, thoát nước; đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt; hệ thống thông tin liên lạc, internet và thiết bị đầu cuối hiện đại; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.
Về quốc phòng, an ninh:
100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”, cơ sở vững mạnh toàn diện. Gắn phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng – an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; đảm bảo an ninh tại các khu kinh tế, tuyến biên giới, biển đảo. Xây dựng dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
Các định hướng lớn tạo đột phá phát triển
Bốn ngành trọng điểm:
Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Ba trung tâm đô thị:
Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà.
Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận.
Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Ba hành lang kinh tế:
Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển.
Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo.
Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
Một trung tâm động lực tăng trưởng:
Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương.
Bốn nền tảng chính:
Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh tầm nhìn đến năm 2050
Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh.
Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phát triển không gian lãnh thổ trong quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh
Về phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch phân vùng không gian liên huyện của tỉnh thành 4 vùng:
Vùng phía Bắc: Thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc;
Vùng phía Tây: các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang với trọng tâm là khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Vườn quốc gia Vũ Quang và khu sinh thái hồ Ngàn Trươi;
Vùng trung tâm: Thành phố Hà Tĩnh, các huyện Lộc Hà, Thạch Hà và phía Bắc huyện Cẩm Xuyên, lấy thành phố Hà Tĩnh là trung tâm vùng;
Vùng phía Nam: phía Nam huyện cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng.
Về phương án phát triển các vùng động lực và các trục phát triển, vùng động lực phát triển:
Thành phố Hà Tĩnh là đô thị cấp vùng, hỗ trợ cho sự phát triển vùng liên tỉnh; trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, khoa học – công nghệ, du lịch, đầu mối giao thông, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thị xã Kỳ Anh với trọng tâm Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ phía Nam Hà Tĩnh; tập trung phát triển công nghiệp luyện thép, chế biến, chế tạo sau thép, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và du lịch nghỉ dưỡng.
Thị xã Hồng Lĩnh gắn với huyện Nghi Xuân là trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh, kết nối với các địa phương lân cận để khai thác tiềm năng phát triển, với các ngành mũi nhọn là công nghiệp – tiêu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch.
Phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh
Phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như thép và chế tạo các sản phẩm từ thép; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may; vật liệu xây dựng chất lượng cao; dược phẩm sinh học; công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp khác có tiềm năng.
Phát triển các ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Chuyển đổi cơ cấu và hiện đại hóa ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát huy lợi thế của các địa phương, các vùng sinh thái; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh
Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư
Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác hiệu quả các nguồn lực từ quỹ đất; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp.
Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Giải pháp về bảo vệ môi trường
Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, quan tâm đầu tư các công trình bảo vệ môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường biển và ven biển, chống thoái hoá đất, sử dụng hiệu quả và bền vũng tài nguyên đất, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo vệ diện tích rừng; có cơ chế quản lý hiệu quả các loại chất thải, đặc biệt là chất thải rắn và nước thải.
Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Phát triển hệ thống mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, quan trắc môi trường tự động, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.
Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển
Rà soát, nghiên cứu ban hành hệ thống cơ chế chính chính sách đồng bộ, nhằm huy động tối đa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hà Tĩnh. Đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ về các vấn đề: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cấp vùng kết nối các đô thị, trung tâm du lịch và khu công nghiệp của tỉnh; trao đổi thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển, phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với các địa phương trong cả nước.
Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Hà Tĩnh, có tiềm năng, thế mạnh trong việc hợp tác phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa; thiết lập các tuyến thương mại quốc tế, đặc biệt là các tuyến hàng hải giữa Hà Tĩnh và các thị trường xuất khẩu quan trọng.
Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh. Xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị ở các khu vực trung tâm, khu đô thị mới; hạn chế quá trình phát triển đô thị theo vết dầu loang, đặc biệt là các trục giao thông mới. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng cường xã hội hóa đàu tư các công trình kết cấu hạ tầng. Tổ chức thực hiện tốt việc định hướng phân khu chức năng ở các khu vực đô thị và nông thôn để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và giám sát việc thực hiện. Quản lý tốt các hồ, đập phục vụ công tác điều tiết nước và bảo đảm môi trường sinh thái.
Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triến khai thực hiện.
Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp về quy hoạch, đảm bảo đồng bộ.
Triển khai xây dựng kế hoạch hành động, thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành kế hoạch 5 năm và hằng năm.
Các cấp, các ngành và UBND cấp huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, định kỳ đánh giá, giám sát việc thực hiện quy hoạch theo quy định.
Theo dõi datsen.com.vn để biết thêm những thông tin về bất động sản Hà Tĩnh